TTO - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu từ 0h ngày 19-8, các quán cà phê, nhà hàng ăn uống phải đo thân nhiệt cho khách, bố trí nước sát khuẩn và giãn cách tối thiểu 1m.
Chiều 17-8, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, chủ trì họp với các quận, huyện về công tác phòng chống COVID-19.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Lưu, bí thư quận Thanh Xuân, cho biết ngay sau khi được thông báo ca mắc COVID-19 thứ 962, quận đã triển khai biện pháp phòng dịch ở ngõ 9 đường Nguyễn Văn Trỗi, đã xác định được 3 trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh và đã đưa cách ly xét nghiệm cho kết quả âm tính COVID-19.
Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết từ ngày 14 đến 17-8 trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2 ca mắc mới là bệnh nhân 962 (30 tuổi) là nhân viên ngân hàng và một nữ nhân viên ngân hàng khác (25 tuổi, là F1 của bệnh nhân 962).
Liên quan đến ca dương tính với COVID-19 là nữ nhân viên ngân hàng, ông Vũ Văn Hoạt, phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, cho biết khoảng 23h ngày 15-8, quận nhận được thông báo về trường hợp chị V.H.C. (SN 1995) là nhân viên ngân hàng được xác định tiếp xúc F1 với ca bệnh 962.
Sau khi nhận được thông tin, quận đã điều tra lịch sử dịch tễ của chị V.H.C., tạm trú ở ngõ 147 Trương Định.
"Khoảng 12h ngày 8-8, chị C. có gặp lấy đồ và đứng nói chuyện khoảng 15 phút với bệnh nhân 962 ở nhà trong ngõ 9 Nguyễn Văn Trỗi. Trong lúc nói chuyện, chị C. không đeo khẩu trang", ông Hoạt cho hay.
Theo ông Hoạt, đến ngày 9-8, sau khi được bệnh nhân 962 thông báo có tiếp xúc với bệnh nhân 812, chị C. đã chủ động cách ly tại nhà. Đến ngày 16-8, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng lấy mẫu xét nghiệm PCR cho chị C. và đưa đi cách ly. Đến 18h ngày 16-8, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng nhận được thông báo của CDC Hà Nội về việc chị C. dương tính với COVID-19.
Nhận định về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho rằng giai đoạn này dịch bệnh đã xảy ra tản phát tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên chưa lây lan thành ổ dịch lớn và nguồn lây đều từ ngoài xâm nhập vào.
Đáng lưu ý, theo ông Hạnh, đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát, F1 chuyển thành F0, ngoài ra các ca mắc ngoài cộng đồng phần lớn được phát hiện tại bệnh viện (8/10 ca).
Ông Hạnh cũng nhận định việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người dân trong đợt dịch này không bằng đợt dịch trước, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn. Theo đó, ông Hạnh chỉ rõ nguy cơ lây nhiễm dịch tại bệnh viện, cơ sở y tế và nhà hàng, quán ăn.
Đo, kiểm tra thân nhiệt và làm thủ tục tiếp nhận hành khách về từ Đà Nẵng tại khu cách ly tập trung Trường quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô - Ảnh: TTXVN
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định dù đã xuất hiện 2 trường hợp là F1 bị lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên tình hình dịch đã được kiểm soát, nhanh chóng "khoanh vùng, dập dịch", "truy vết, cách ly triệt để" kịp thời.
Tuy nhiên, ông Quý cũng cho rằng nguy cơ lây nhiễm dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh và quán bia, quán ăn, giải khát là rất lớn, cần thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch tại hai khu vực này.
Vì vậy, ông Quý yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung quá 30 người. Nếu có biểu hiện ho sốt phải báo cho cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời vận động người cao tuổi, bệnh nền nặng ở nhà, không ra ngoài khi không có việc cần thiết
"Với nhà hàng ăn uống, quán bia hơi, giải khát phải thực hiện nghiêm việc ngồi giãn cách, tối thiểu 1m, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, bố trí nước sát khuẩn. Đây là nơi có nguy cơ lây lan dịch lớn, do vậy đề nghị từ 0 giờ ngày 19-8, nhà hàng, quán bia, cà phê phải thực hiện nghiêm nội dung nêu trên" - ông Quý nói.
Ông Quý cũng đề nghị kiểm tra phòng chống dịch tại các cơ sở y tế, bệnh viện. "Nơi nào không đảm bảo an toàn thì kiên quyết cho dừng hoạt động. Các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc phân luồng khám chữa bệnh; bảo hộ bác sĩ, y tá, nhân viên; bảo vệ chặt chẽ các khoa điều trị bệnh nhân có bệnh nền nặng" - ông Quý nhấn mạnh.