Chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu sở y tế 63 tỉnh, thành rà soát lại các cơ sở xét nghiệm, chuẩn bị phương án có thể xét nghiệm trên diện rộng
Sau khi ra thông báo ngừng xét nghiệm Covid-19 vì thiếu sinh phẩm, đến sáng 7-8, Viện Pasteur Nha Trang đã xét nghiệm trở lại cho 11 tỉnh miền Trung.

Nhiều nơi kêu thiếu

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời trong đêm 5-8 từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam và một số công ty, đến ngày 6-8, Viện Pasteur Nha Trang đã có sinh phẩm tách chiết, primer, probe, môi trường bảo quản mẫu… nên việc xét nghiệm bình thường trở lại. Tuy nhiên, Viện Pasteur Nha Trang sẽ ưu tiên cho các địa phương có nguy cơ cao và các địa phương đang hoàn thiện lắp đặt hệ thống máy xét nghiệm. Ngày 6-8, viện đã xét nghiệm cho Bình Thuận 209 ca, Quảng Ngãi 422 ca, Khánh Hòa 50 ca, Quảng Trị 3 ca.
TS Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho biết viện vẫn tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm tất cả mẫu các tỉnh gửi về nếu kèm theo sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao tương ứng. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, việc phòng chống dịch thực hiện theo nguyên tắc "4 tại chỗ" nên Viện Pasteur Nha Trang đề nghị các tỉnh khẩn trương trang bị đầy đủ máy móc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư... để bảo đảm kịp thời phòng chống dịch.
Thông báo hoãn xét nghiệm Covid-19 trước đó của Viện Pasteur Nha Trang khiến nhiều tỉnh, thành miền Trung lo lắng. Đơn cử như tỉnh Khánh Hòa hiện không có máy xét nghiệm Covid-19, hoàn toàn dựa vào Viện Pasteur Nha Trang. Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau khi một số địa phương bị thanh tra, kiểm tra về mua sắm thiết bị, tỉnh này tạm gác việc mua máy xét nghiệm. Để mua máy này phải có đơn vị thẩm định giá độc lập, ngành y tế đã gửi văn bản đề nghị các đơn vị thẩm định độc lập nhưng đều bị từ chối. Tỉnh đang xin ý kiến hướng dẫn của Chính phủ để giải quyết tình hình cấp bách hiện nay.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, ngành y tế Đà Nẵng còn cần rất nhiều trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19. "Hiện 2 khu hồi sức của Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Hòa Vang đang cần thiết bị để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng. Ngoài ra, các thiết bị xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cũng thiếu. Chúng tôi mong được hỗ trợ trực tiếp bằng trang thiết bị để có thể nhanh chóng đưa vào lắp đặt, phục vụ điều trị" - bà Yến nói.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân khẳng định tỉnh cũng thiếu nhiều trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân, khẩu trang, máy ECMO, máy thở, vật tư chống dịch... Trong sáng 7-8, tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị với Bộ Y tế, các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh về năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để phòng chống dịch hiệu quả.
Theo một lãnh đạo CDC Đắk Lắk, hiện CDC Đắk Lắk không đáp ứng kịp nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 do lượng người cần phải xét nghiệm rất lớn, trong khi trung tâm thiếu cả nhân lực lẫn vật lực. "Vấn đề khó khăn nhất là chúng tôi đang thiếu kinh phí để mua sinh phẩm, hóa chất… phục vụ công tác xét nghiệm" - vị này nói.
Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm Covid-19 trở lại sau khi tạm ngừng vì thiếu sinh phẩm Ảnh: KỲ NAM

Không vì cơ chế mà thiếu thiết bị

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), khẳng định ngày 7-8, bộ đã nhận được văn bản của Bộ Y tế về việc phân bổ ngân sách cho Viện Pasteur Nha Trang mua sắm trang thiết bị phục vụ điều trị, phòng chống dịch Covid-19.
Ông Hưng nêu rõ Viện Pasteur Nha Trang là đơn vị dự toán cấp II, do Bộ Y tế trực tiếp giao dự toán và phân bổ dự toán được giao. 
"Bộ Y tế đã chủ động điều chỉnh, cân đối, tăng phần ngân sách bổ sung cho Viện Pasteur Nha Trang để có tiền mua sinh phẩm, vật tư. Trong 1-2 ngày tới sẽ xử lý vấn đề này" - ông Hưng nói.
Hiện nhiều cá nhân, tổ chức đã ủng hộ phòng chống dịch thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông Võ Thành Hưng cho biết một phần trong số tiền này đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chuyển cho Chính phủ thông qua Bộ Y tế. Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ phương án phân bổ số tiền này cho các cơ quan, địa phương phục vụ chống dịch. Phần còn lại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tự phân bổ.
Theo Bộ Tài chính, đến nay, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 17.770 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Trong đó, chi cho công tác phòng chống dịch khoảng 5.370 tỉ đồng, chi hỗ trợ cho 12,6 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 12.400 tỉ đồng.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 7-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế điều phối, hỗ trợ kịp thời phương tiện, năng lực xét nghiệm, vật tư, nhân lực, chuyên môn cho các địa phương. Phải bảo đảm đủ thiết bị, vật tư y tế; làm nhanh nhưng không để xảy ra tham nhũng. 
"Không lấy lý do vì cơ chế mà để chậm, không được nói là vì tôi thiếu tiền, thiếu tiền thì phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo gấp trung ương để xử lý vấn đề này" - Thủ tướng nói.

12 ngày, 360 ca mắc Covid-19

Trong ngày 7-8, cả nước ghi nhận thêm 37 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 784 ca. Chỉ riêng trong 12 ngày (từ ngày 25-7 đến nay) đã ghi nhận hơn 360 người mắc Covid-19 (tương đương 7 tháng trước đó), trong đó có 330 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 14 tỉnh, thành phố (mới nhất là Hải Dương).
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương phải rà soát lại cơ sở vật chất, kể cả trong tình huống phải thành lập bệnh viện dã chiến. Sở Y tế 63 tỉnh, thành rà soát lại các cơ sở xét nghiệm, chuẩn bị phương án có thể xét nghiệm trên diện rộng với các trường hợp nghi ngờ để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch kịp thời.